Phượt Thủ – Từ Tự Hào Đến Xấu Hổ

Du lịch phượt đã trở thành một trào lưu thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam. Hình ảnh những chiếc xe máy rong ruổi trên những cung đường đẹp, khám phá những vùng đất mới lạ luôn khiến nhiều người say mê. Tuy nhiên, bên cạnh những khía cạnh tích cực, phượt cũng tồn tại nhiều vấn đề khiến cộng đồng phượt thủ đôi khi bị “dị nghị”. Cùng MOTOGO tìm hiểu về những mặt tiêu cực của phượt thủ nhé.

phượt thủ
Phượt cũng tồn tại nhiều vấn đề khiến cộng đồng phượt thủ đôi khi bị “dị nghị”.

Những hành động “xấu xí”

Theo phản ánh của một số người dân tại những nơi có “dấu chân” phượt thủ đi qua, họ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người địa phương. Họ chỉ biết vui chơi mà không có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bản địa. Một số phượt thủ sẵn sàng dẫm đạp, hái hoa, rau màu của người dân trồng ven đường, rồ ga ầm ĩ gây mất trật tự hay cắm trại, ăn uống, hát hò rồi để lại những đống rác ngay tại chổ…Những hành động này vô tình đã làm “xấu mặt” những người yêu phượt, dễ khiến cho xã hội đánh đồng, gán mác xấu cho cả cộng đồng phượt thủ.

phượt thủ
Những hành động này vô tình đã làm “xấu mặt” những người yêu phượt

Các bạn trẻ truyền tai nhau: “Còn trẻ mà không đi phượt là phí mất nửa đời người”. Phượt – từ một hoạt động mang rất nhiều ý nghĩa đã bị chính những phượt thủ biến tướng khiến người ta mỗi lần nhắc đến chữ này đều thấy kiêng dè, ái ngại. Ngay cả những phượt thủ chuyên nghiệp, thuộc từng cung đường còn hơn cả đường chỉ tay cũng phải công nhận rằng phượt đang ngày càng mất “chất”.

phượt thủ
Phượt đang ngày càng mất “chất”

Có những chuyến đi cả ngàn cây số trong vòng 3, 4 ngày. Có đoàn đông tới trăm người, mặc áo bảo hộ, đội nón fullface và chạy xe máy với tốc độ trên 80 km mỗi giờ. Những nhà nghỉ giường tầng ở Tam Đảo, Đà Lạt…đầy ắp người vào cuối tuần. Đã nhiều năm như thế, thanh niên tràn về các khu du lịch mới mở và rác thải nhảy múa phất phơ sau những bánh xe lăn vội. Nhưng thực ra đó không phải là dẫn chứng cá biệt, ở hầu hết các nơi có dấu chân “phượt thủ”, tình cảnh đó vẫn thường diễn ra. Bản thân người viết đã từng có trải nghiệm rùng rợn, khi vừa định nhảy xuống tắm ở dòng suối tít trên bản Tả Van – Lào Cai, thì nhìn thấy một vỏ chai rượu bị đập vỡ nát, mảnh chai rải ra khắp các hòn đá xung quanh bờ suối.

phượt thủ
Thanh niên tràn về các khu du lịch mới mở và rác thải nhảy múa phất phơ sau những bánh xe lăn vội.

Những phượt thủ chân chính, dù có cố gắng đến mấy cũng khó lấy lại được hình ảnh đẹp vốn có của phượt. Từng có chiến dịch hơn 400 bạn leo núi Bà Đen theo đường cột điện và gom rác, phân loại tại chỗ, bỏ vào trong bao tải, cột chặt rồi để sát vào hai bên đường nhằm tuyên truyền và kêu gọi mọi người ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường bắt đầu từ hành động ngưng xả rác. Nhưng điều này cũng không tác động nhiều đến ý thức bảo vệ môi trường của dân phượt hiện nay.

phượt thủ
Hơn 400 phượt thủ tham gia dọn rác trên núi Bà Đen

Phượt chỉ để phịch!

Người trẻ – Phượt thủ – Họ lên đường với một chút tiền, hành lý nông nổi đến mức sau đó phải vứt đi quá nửa, trong khi vẫn thiếu nhiều thứ cơ bản. Thậm chí, hiện giờ đã xuất hiện một từ lóng mới: “phịch thủ”, ra đời sau khi một “phượt thủ” bị tố cáo đã gạ tình hàng loạt thiếu nữ trẻ, chỉ với một bài duy nhất: Rủ đi “phượt” Tam Đảo.
Những thiếu nữ trẻ nổi giận chửi rủa, các “phượt thủ” cũng tức giận khi cho rằng anh chàng kia đã làm xấu mặt giới “phượt” nói chung lẫn giới “xế” nói riêng. Trong đêm, cả trăm “phượt thủ” đã phóng xe lên Tam Đảo để tìm “phịch thủ” này nói chuyện cho ra nhẽ. Lẽ dĩ nhiên, “phịch thủ” lặn mất tăm.

phượt thủ
Phượt thủ bị gắn mác thành ” phịch thủ”

Chuyện nguôi đi, người ta mới nhận ra rằng, thực ra thì chuyện chẳng có lý do gì mà ầm ĩ đến thế, bởi vì chính các cô nàng nhẹ dạ đã… tình nguyện, chứ nào có ai ép uổng gì đâu? Tự nhiên leo lên xe một người xa lạ, vượt trăm cây số lên đỉnh núi mù sương, hẳn nhiên là các cô cũng dự đoán được điều gì sẽ xảy ra để mà đồng ý hay là từ chối chứ!

Bóng ma trên mỗi cung đường

phượt thủ
Cộng đồng mạng bức xúc vì hành động ngủ ngay ven đèo Tà Pao của nhóm bạn trẻ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Tấm ảnh này là có thật, đã được camera hành trình của nhóm anh Vũ Thạch (sống tại TP.HCM)  ghi lại. Anh kể, sáng sớm 29/4 nhóm của anh xuất phát từ thị xã La Gi (Bình Thuận) đi Đà Lạt theo đường đèo Tà Pao (cũng thuộc tỉnh này). Bốn xe máy chở theo 5 người vừa qua khúc cua chợt có hai thanh niên trong lề đường nhảy ra quơ tay quơ chân ra hiệu chậm lại. Lúc đó anh Thạch thấy khoảng 6 xe dựng trong lề đường và một số người nằm ngay trên đường. “Mình nghĩ chắc có tai nạn nên định dừng lại xem có giúp được gì hay không nhưng đến gần thì thấy họ nằm ngay trên lề đường đắp chăn. Mình rất bức xúc vì hành động này”, Vũ Thạch chia sẻ.

phượt thủ
Bức ảnh dậy sóng cộng đồng khi 50 phượt thủ nằm ngủ bên lề đường tại một cung đường hẹp.

Đèo Tà Pao là nơi anh đã đi qua nhiều lần, tuy vắng vẻ nhưng rất nguy hiểm bởi các phương tiện chạy qua có thể chủ quan mà đi với tốc độ nhanh. Trong trường hợp tài xế đang cua qua đèo, nhìn thấy nhóm bạn trẻ nằm ngoài đường, nếu xử lý để tránh nhóm bạn trẻ cũng có thể gây họa cho họ.

Clip do bạn Hoàng Tùng (Hà Nội) ghi tại dốc Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vào khoảng 12h trưa ngày 20/5 vừa qua: hai bạn trẻ đèo nhau trên một chiếc xe máy đổ đèo nhưng lại vượt xe khác cực kì bất cẩn khi đang ở góc khuất và hoàn toàn không biết có xe đang đi ngược chiều lên dốc.

Nỗi kinh hoàng từ những phượt thủ exciter

Có những đoàn đi hàng chục xe máy, và xuất phát từ Hà Nội lúc trời nhập nhoạng tối, nghĩa là các bạn sẽ phải vượt đèo trong đêm. Ai đã đi qua đèo thì biết rõ, nhiều khúc cua gấp và ngoằn ngoèo, ban ngày mà trời có sương mù thì cũng là một thử thách đối với các tài xế chứ đừng nói là đi đêm mà lại đi xe máy.
Người dân Tam Đảo đã quá quen với những “bóng ma” rồ ga xe ngay cả vào ban đêm làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt người dân. Họ phóng bạt mạng không quan tâm đến an toàn của cả họ và người khác. Nhiều người đi đường đèo, thấy bóng dáng phượt thủ là phải dừng xe lại đợi phượt thủ đi qua thì mới dám đi tiếp.

Miếng mồi ngon để làm kinh doanh

Điều đáng buồn nhất là việc nhiều bạn thấy phượt là miếng mồi ngon béo bở nên đã tập hợp thành các nhóm, hoạt động rôm rả trên mạng xã hội để kinh doanh. Trong số này rất nhiều người không hề có kinh nghiệm tổ chức đoàn phượt mà chỉ đứng ra để vụ lợi cá nhân, họp hội chỉ để thu tiền. Thật là buồn cười khi họ nghĩ đi phượt đơn giản và dễ dàng như đi chợ mua mớ rau ngoài chợ.

Đã phượt thì cần nhất là người dẫn đoàn có khả năng bao quát được cả đội, phải hiểu rõ từng xế rằng họ có kinh nghiệm hay không, đã đi những cung đường kiểu như thế nào, có đủ sức khỏe để đi đêm không, xe cộ của họ có tốt không, có đảm bảo đang “xả đèo” thì không bị mất phanh, lạc tay lái không.

phượt thủ
Phượt đã trở thành miếng mồi ngon để làm kinh doanh

Xin phép không bàn đến những khía cạnh khác như chuyện tiền nong khuất tất hay mâu thuẫn nội bộ của các nhóm phượt. Tôi chỉ muốn nói nếu đi phượt mà xuất phát không từ tình yêu với phượt thì tất yếu nảy sinh ra những hậu quả đáng tiếc.

Tôi biết nhiều nhóm phượt họ coi nhau như gia đình, đi đâu làm gì cũng hết mình vì nhau bởi họ yêu phượt thực sự. Còn đi theo kiểu vụ lợi như nhiều nhóm, hẹn hò trên Facebook rồi đi khi các thành viên còn không quen hết mặt nhau, thì rũ bỏ trách nhiệm khi có biến cố không phải là điều ngạc nhiên.

Đừng chỉ ‘xách ba lô lên và đi’

Nhiều người cho rằng các chuyến đi phượt giúp họ giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống, được khám phá những vùng đất mới và hòa nhập với đất trời hay học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng. Tuy nhiên nếu để tâm lý tự do vượt quá giới hạn ý thức thì có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới mọi người xung quanh, tới môi trường và tự “bôi xấu” mình, ảnh hưởng đến cả cộng đồng phượt thủ.
Và nếu chỉ để chụp ảnh khoe lên facebook thì đừng xách ba lô lên. Nhiều nhóm phượt thủ còn có những hành động vô cùng đẹp đẽ và nhân văn như việc 200 thành viên của diễn đàn ‘Ờ! Phượt đi’ đã dọn rác trên bãi biển Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhằm kêu gọi nâng cao ý thức người trẻ đam mê phượt. Hay hành động ý nghĩa của group Phượt Hà Nội khi thường tổ chức các hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ những địa phương đang khó khăn hay cùng thu dọn những đống rác mà một số phượt thủ kém ý thức đã để lại ở Ba Vì…

phượt thủ
Nhóm phượt thủ “Ờ! Phượt đi” dọn rác trên bãi biển Bình Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Hành trình phượt cũng là hành trình khám phá, chinh phục bản thân. Nhiều đoàn phượt song song với việc đi dã ngoại còn tổ chức các hoạt động từ thiện, quyên góp quần áo, sách vở để tặng trẻ em những nơi vùng sâu, vùng cao mà họ đi qua.

Phượt là một trải nghiệm thú vị và bổ ích, mang đến cho con người cơ hội khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ. Tuy nhiên, phượt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không có ý thức và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cần chung tay nâng cao ý thức của phượt thủ, xây dựng cộng đồng phượt thủ văn minh để phượt thực sự trở thành một trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *