Kinh nghiệm du lịch Tây Thiên – Thiền Viện Vĩnh Phúc
Quần thể chùa Tây Thiên – Thiền Viện là nơi chứa đựng vẻ đẹp của văn hóa tâm linh kết hợp phong cảnh trữ tình tuyệt đẹp. Nếu bạn đang có dự định đi Tây Thiên, mời bạn tham khảo các kinh nghiệm và các thông tin hữu ích sau để có 1 chuyến đi an toàn và thú vị.
Chùa Tây Thiên – Thiền Viện ở đâu?
Cách Hà Nội 65km về phía Tây Bắc, quần thể chùa Tây Thiên – Thiền Viện là nơi chứa đựng vẻ đẹp của văn hóa tâm linh kết hợp phong cảnh trữ tình thiên nhiên ban tặng. Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, nơi đây tổ chức khai hội Tây Thiên nhằm tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên, đây là một trong những lễ hội lớn nhất của miền Bắc. Nếu bạn đang có dự định đi Tây Thiên, mời bạn tham khảo các kinh nghiệm và các thông tin hữu ích sau để có 1 chuyến đi an toàn và thú vị.
Thiền viện trúc lâm Tây Thiên Khu Tây Thiên cổ tự
Phương tiện đến Tây Thiên – Thiền Viện
Di chuyển bằng ô tô, xe máy
Từ Hà Nội đi theo hướng Quốc lộ 2A (Thăng Long – Nội Bài) qua thành phố Vĩnh Yên, rẽ phải lên chân dãy Tam Đảo, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, khoảng cách 74km. Từ đây rẽ trái để đi Tây Thiên 11km, nếu rẽ phải là lên khu nghỉ mát Tam Đảo.
Đi xe bus
Bắt xe bus từ Hà Nội đi Mê Linh Plaza (Xe 07, 58). Tới Mê Linh bắt xe Vĩnh Phúc-01 đi đến bến xe Vĩnh Yên, sau đó bắt xe VP-07 (Vĩnh Yên – Tam Đảo) xuống bến Đại Đình để đi Thiền Viện (mất khoảng 40’). Tới đây bạn có thể đi xe ôm hoặc đi bộ lên Thiền Viện (Cách khoảng 3km).
Thăm quan Tây Thiên – Thiền Viện
Để lên khu di tích, bạn có thể đi bộ hoặc đi cáp treo tùy theo thể lực.
- Nếu đi bộ, bạn có thể men theo đường suối để lên đỉnh Tây Thiên, khung cảnh hoang sơ rất đẹp. Cách này phù hợp với những ai có sức khỏe tốt, ưa khám phá.
- Nếu đi cáp treo: Đến đền Thỏng, bạn đi bộ hoặc đi xe điện đến ga đi cáp treo (1.5km). Chi phí xe điện: 20.000VNĐ, cáp treo 200.000VNĐ/người lớn, trẻ em 140.000VNĐ khứ hồi. Giá vé cáp treo 1 chiều: 130.000VNĐ/người lớn, trẻ em 80.000VNĐ (Miễn phí cho trẻ em dưới 1m).
Cáp treo đi Tây Thiên Khu Thiền Viện
Giới thiệu về THiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Từ xa, du khách đã nhìn thấy Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Đây là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác và là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam.
Đại Bảo tháp
Nằm phía bên tay trái cổng Tam Quan dẫn vào Khu trung tâm lễ hội là Đại Bảo tháp Tây Thiên – một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đang dần hoàn thiện để chào đón Phật tử và du khách về thăm quan. Đại Bảo tháp Tây Thiên được thiết kế ba tầng, cao đến 37m.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm đi FLC Vĩnh Phúc: Lịch Trình, Bảng giá phòng, Chi phí
Đền Thỏng
Điểm dừng chân tiếp theo của khách hành hương tại Tây Thiên là đền Thỏng, hay còn gọi là đền Trình. Đền Thỏng được coi là “cửa ngõ” dẫn lên khu di tích đền Thượng trên đỉnh núi.
Đền Cậu
Qua đền Thỏng là tới đền Cậu. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi “Cậu” ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu. Đền vừa được tu sửa lại vào năm 1993. Người ta lên đền Cậu để cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ và những nguyện ước tốt đẹp về mặt tình duyên và con cái. Đó chắc chắn sẽ là khởi đầu tốt nhất cho mỗi người khi đến với Tây Thiên.
Đền Cô
Từ đền Cậu đi thêm khoảng 2 km nữa sẽ đến đền Cô. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước.
Tịnh thất Tây Thiên
Men theo một lối rẽ quanh co trong rừng, qua các khe suối nhỏ, các gốc cây bám rễ sâu vào lòng đất từ đền Cô sẽ tới Tịnh thất Tây Thiên. Cảnh vật nơi đây tinh khôi, nguyên sơ và u tịch.
Đền chính của Tây Thiên thờ bà Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu – Bà là Vương phi của Vua Hùng Vương thứ 7. Bà đã cùng Vua hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình trịnh trị. Với những công lao đó Bà được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ chính tại Đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn.
Bên cạnh Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên là những ngôi đền các vị mẫu thần cai quản trời, đất, núi, rừng như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Địa và Mẫu Thượng Ngàn.
Ăn uống ở Tây Thiên
Bạn nên chuẩn bị sẵn đồ để mang theo: Xôi, bánh mì, pa tê, xúc xích, nước uống… để ăn bữa trưa. Bữa chiều nên về Vĩnh Yên để ăn, sẽ ngon hơn và tránh cảnh chặt chém. Ngoài ra, bạn có thể ăn cơm chay ở Thiền Viện.
Đặc sản Tây Thiên – Mua gì làm quà
Ngọn su su: Su su là đặc sản vùng Tây Thiên, Tam Đảo, 1 kg su su thường có giá 10.000 – 15.000VNĐ/kg. Ngoài ra, các hoa quả tự nhiên như chuối, mít cũng rất ngon.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch chùa Yên Tử 1 ngày chi tiết: lịch trình, giá vé…
Chỗ nghỉ qua đêm
Nhà nghỉ Dung Thắng: Nằm ngay sát chân đền Thỏng – khu di tích danh thắng Tây Thiên – ĐT: 02113.814.567, không gian thoáng rộng, chỗ để xe rộng rãi,có phòng tập thể (ở khoảng 15 người), phòng đơn và phòng đôi đầy đủ tiện nghi.
– Nhà nghỉ Lan Rừng: Sát chân đường lên thiền viện trúc lâm Tây Thiên rất tiện lợi cho việc tham quan thiền viện – SĐT: 02113.814668. Nhà nghỉ có 15 phòng tiện nghi đầy đủ, có điều hòa. Thái độ nhân viên phục vụ tốt, có dịch vụ giặt là, karaoke, ăn uống.
Lưu ý khi đến Tây Thiên
- Trẻ em không nên cho chơi ở khu thác bạc, đã có nhiều trường hợp ngã và chết đuối tại đây
- Tránh các trò chơi lừa bịp tại dọc đường đi lên chùa Tây Thiên
- Đi vào dịp lễ hội rất đông, chú ý bảo quản tài sản và tiền bạc
- Vào chùa, đền ăn mặc lịch sự, không nói to
Trên đây là những chia sẻ của MOTOGO, chúc các bạn sẽ có những chuyến du lịch vui vẻ và ý nghĩa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!